Tội đe dọa cướp tài sản?
Bộ luật hình sự Việt Nam không có tội ĐE DỌA CƯỚP TÀI SẢN mà chỉ có Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS. Tội phạm này cấu thành hình thức, nghĩa là chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc dùng thủ đoạn khác làm cho người bị tấn công rơi vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội rồi, không cần biết là thực tế có chiếm đoạt được tàn sản hay không. Do vậy hành vi đe dọa cướp tài sản mà làm cho nạn nhân không thể chống cự được nhằm cướp tài sản nhưng chưa lấy được tài sản là cũng phạm tội này. Mức án phải chịu cho từng trường hợp cũng khác nhau căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tặng nặng trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Điều 133 BLHS quy định như sau:
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Thư Viện Pháp Luật