Quy định về các quyền cơ bản của trẻ em

Xin hỏi, theo quy định của pháp luật trẻ em có những quyền cơ bản gì?

Theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, từ Điều 11 đến Điều 20  quy định về các quyền cơ bản của trẻ em như sau:

 1.Quyền được khai sinh và có quốc tịch (Điều 11):

- Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.

- Trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, nếu có yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ để xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật.

2.Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 12):

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

3. Quyền sống chung với cha mẹ (Điều 13):

Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ.

Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.

4. Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự (Điều 14):

Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

5. Quyền được chăm sóc sức khoẻ (Điều 15):

- Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ.

- Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

6. Quyền được học tập (Điều 16):

- Trẻ em có quyền được học tập.

- Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí.

7. Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch (Điều 17):

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

8. Quyền được phát triển năng khiếu  (Điều 18):

Trẻ em có quyền được phát triển năng khiếu. Mọi năng khiếu của trẻ em đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

9. Quyền có tài sản (Điều 19):

Trẻ em có quyền có tài sản, quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

10. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội (Điều 20):

- Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm.

- Trẻ em được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào