Tranh chấp lối đi giữa bất động sản liền kề

Thưa luật sư: Tôi có một thửa ruộng được cấp giấy phép từ năm 1995. Gia đình ông A đi qua đường bờ ruộng nhà tôi. Trong quá trình đi lại gia đình ông A làm ảnh hưởng tới cây trồng và hoa màu của gia đình tôi. Tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng gia đình ông A vẫn tái phạm mà còn thách thức gia đình tôi. Sau 1 thời gian hòa giải không thành Gia đình ông A đã gửi đơn khiếu kiện gia đình tôi và nhờ cơ quan cấp trên can thiệp là kẻ thêm 2 đường kẻ song song trên bản đồ địa chính để cấp cho gia đình ông A con đường đi lại.  Gia đình tôi rất bất bình và không đồng ý theo quyết định đó của cấp trên vì đó là đất của tôi có được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. trước đó không hề có đường kẻ (đường đi) qua đó. Xin Luật sư cho biết hành động của tôi đó là đúng hay sai? Rất mong nhận được câu trả lời sớm từ ông. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 về việc sử dụng bất động sản liền kề như sau:

Điều 273. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác

Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Như vậy, theo quy định của BLDS 2005, để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của chủ sở hữu bất động sản thì trong một số trường hợp khi bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi thì chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu chủ sở hữu các bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng. Đây là nghĩa vụ của những người được yêu cầu. Pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo đươc quyền lợi tối thiểu của chủ sử hữu bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sử dụng, định đoạt tài sản của mình.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc cơ quan nhà nước mở thêm một con đường nhỏ dẫn vào bất động sản nhà ông A là hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc sử dụng đất của gia đình bạn để làm đường đi thì gia đình bạn sẽ nhận được một khoản đền bù từ phía người được dành lối đi – gia đình ông A, nếu không có thỏa thuận khác. Gia đình bạn có thể liên lạc với gia đình ông A hoặc cơ quan nhà nước để được nhận khoản đền bù này.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bất động sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào