Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý
Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý quy định: Người được trợ giúp pháp lý phải có đơn yêu cầu hoặc gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý trình bày và có giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn, để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ.
Theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 và Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp thì đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý được hướng dẫn như sau:
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát đơn miễn phí cho người có yêu cầu (mẫu Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc người có yêu cầu tự viết đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ. Trong trường hợp người có yêu cầu không đến được mà có người đại diện; người giám hộ đến thay thì người đại diện, người giám hộ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn, trừ trường hợp giữa người có yêu cầu với người đại diện, người giám hộ có mâu thuẫn về quyền, lợi ích hợp pháp.
Trong trường hợp người có yêu cầu chưa viết đơn thì người tiếp nhận phải hướng dẫn họ điền và ký vào đơn. Nếu họ không thể tự mình viết đơn được thì người tiếp nhận có trách nhiệm điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào mẫu đơn, để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.
Trong trường hợp người có yêu cầu nhờ người thân thích (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên, anh chị em ruột đã thành niên) hoặc ủy quyền cho người khác đến nộp đơn thì ngoài giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người đến thay phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân của mình hoặc giấy ủy quyền có ký xác nhận của người có yêu cầu. Người nộp đơn thay ghi rõ họ, tên, số Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú và ký tên vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý.
Đơn được nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc địa điểm làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc nộp trực tiếp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bên ngoài trụ sở) hoặc được gửi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý qua thư tín hoặc bằng các hình thức khác”.
Thư Viện Pháp Luật