Người bị hại chết đột ngột trong quá trình tố tụng
Theo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành quy định về việc xử lý trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết ( khoản 7 Điều 107/BLTTHS). Theo đó, trong các giai đoạn tố tụng ( điều tra, truy tố, xét xử) nếu “ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ( bị can, bị cáo) đã chết thì vụ án phải được đình chỉ” ( trừ trường hợp phải tái thẩm đối với người khác) ( Khoản 7 Điều 107/BLTTHS).
Đối với các vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại ( khoản 1 Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 171) Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định về việc “rút yêu cầu” của người bị hại. Tức là khi người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên Tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ ( Khoản 2 Điều 105/BLTTHS). Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 51/BLTTHS còn quy định: “ Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa”. Và tại Khoản 5 Điều 51/BLTTHS quy định: “ Trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”.
Do vậy, vụ án bạn nêu, mặc dù bị hại đã bị “chết đột ngột” nhưng không ảnh hưởng gì đối với việc điều tra, truy tố, xét xử. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào Điều 51/BLTTHS vẫn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Vì đã có “ người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa”. Tất nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa đại diện gia đình của người bị hại đã chết tham gia vào quá trình tố tụng để giải quyết các vấn đề liên quan trong vụ án (tương tự như trong các vụ án giết người, bị hại là nạn nhân đã chết).
Thư Viện Pháp Luật