Mẹ của bà có quốc tịch Việt Nam nên khi mẹ của bà qua đời mà không để lại di chúc (ông bà nội ngoại đã qua đời trước mẹ của bà) thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bà, bao gồm: bà và các anh, chị, em của bà, kể cả con nuôi của mẹ bà (nếu có), có quyền thừa kế đối với di sản của mẹ bà theo quy định tại Điều 631 BLDS. Tuy nhiên, đối với di sản là bất động sản ở tại Việt Nam thì việc thừa kế theo pháp luật còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh đối với bất động sản đó, ví dụ Luật Nhà ở, Luật Đất đai v.v..
2. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bà có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông qua việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện tại Tòa án v.v.. Việc xác định quyền sở hữu của mẹ bà đối với căn nhà có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế của mẹ bà, trong đó có bà và các anh, chị, em của bà. Do vậy, bà và các anh, chị, em của bà hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề nói trên.
3. Theo quy định tại Điều 164 BLDS thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Do vậy, người anh của bà nếu không phải là chủ sở hữu (không có căn cứ chứng minh mình là chủ sở hữu) thì không có quyền định đoạt đối với Căn nhà, nghĩa là không có quyền hiến Căn nhà cho Nhà nước.
Tuy nhiên, xin giải thích thêm trong trường hợp người anh của bà không chứng minh được mình là chủ sở hữu và Căn nhà thuộc diện nhà vắng chủ (không xác định được chủ sở hữu) hoặc những trường hợp được phân tích ở bên dưới đây thì có thể Căn nhà được Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo các quy định pháp luật, chứ không phải là người anh này hiến Căn nhà cho Nhà nước.
4. Để xác định được thủ tục mà bà phải thực hiện để đòi lại Căn nhà thì trước hết phải làm rõ các quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà vắng chủ do chủ sở hữu xuất cảnh (trước ngày 01/7/1991). Theo quy định pháp luật, có thể chia thành ba trường hợp như sau:
(i) Trường hợp Căn nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo quy định tại Nghị quyết 23 đồng thời Nhà nước đã có văn bản quản lý và đã bố trí cho người khác sử dụng thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất. Do đó, nếu thuộc trường hợp này thì gia đình bà không thể đòi lại Căn nhà.
(ii) Trường hợp Căn nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng theo quy định tại Nghị quyết 23 nhưng trên thực tế Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có văn bản quản lý và cũng chưa bố trí cho ai sử dụng, đến nay Căn nhà vẫn còn do khi đi xuất cảnh cha mẹ của bà có cho người khác thuê, mượn, ở nhờ hoặc giao cho người thân thích quản lý và sử dụng nhà và đất, thì nay gia đình bà có thể lấy lại Căn nhà theo quy định tại Nghị quyết 755.
(iii) Trường hợp Căn nhà không thuộc diện Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng và trước khi đi xuất cảnh, gia đình bà có cho người khác ở thuê, mượn, ở nhờ hoặc ủy quyền cho người thân thích quản lý và sử dụng nhà ở, thì nay gia đình bà có thể lấy lại Căn nhà theo quy định của Nghị quyết 1037.
Như vậy, nếu thuộc trường hợp được lấy lại nhà theo quy định pháp luật (tức là thuộc trường hợp (ii) hoặc (iii) nêu trên) thì mẹ bà (hoặc những người thừa kế của mẹ bà) có thể thực hiện các thủ tục để lấy lại nhà theo quy định tại Nghị quyết 1037. Cụ thể, phải thực hiện thủ tục thông báo trước cho bên thuê, mượn, ở nhờ nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở một khoảng thời gian và phải thanh toán cho người đó các khoản tiền liên quan đến việc cải tạo, sửa chửa, nâng cấp, v.v... Trong trường hợp đã thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục luật định mà người đang quản lý, sử dụng Căn nhà không trả lại nhà thì chị em bà có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Mặt khác, nếu thuộc trường hợp đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý, bố trí Căn nhà cho người khác sử dụng nhưng bà có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì bà có thể thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành đó (theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo). Tuy nhiên, cần lưu ý thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà bà không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
5. Theo Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo thì công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (lưu ý phải còn thời hiệu khiếu nại như đã phân tích ở trên đây).
Như vậy theo quy định nói trên, bà hoàn toàn có quyền khiếu nại quyết định hành chính trái pháp luật của người (hoặc cơ quan) có thẩm quyền ban hành khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà.