Tù treo hoặc cải tạo hình phạt nào nặng hơn
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự thì các hình phạt chính gồm có cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân và tử hình.
Hình phạt “Cải tạo không giam giữ”được coi là nhẹ hơn hình phạt tù được quy định cụ thể tại Điều 31 Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:
“1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”.
Còn đối với “tù treo”: Trong Bộ Luật Hình sự không có khái niệm về tù treo. “tù treo” chỉ là thuật ngữ mà người dân quen gọi. Về thuật ngữ pháp lý thì được gọi là “án treo”.
“Án treo” là chế định pháp lý hình sự liên quan đến việc chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự. Án treo được hiểu là việc miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Khi xử phạt tù không quá 3 năm căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm.
Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Giữa “án treo” và “cải tạo không giam giữ” có sự giống nhau ở chỗ: Người thụ án không phải cách ly khỏi xã hội mà họ được chung sống với gia đình như những người khác dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người đó làm việc hoặc cư trú.
Từ hai khái niệm trên có thể thấy hình thức “cải tạo không giam giữ” được quy định đó là một loại hình phạt chính, còn hình thức được hưởng án treo không nằm trong các hình thức xử phạt. Như vậy, về mặt lý luận thì dường như là hình thức cải tạo không giam giữ “nặng hơn” hình thức án treo vì người được hưởng án treo là miễn (không) chấp hành hình phạt, còn cải tạo không giam giữ là có chấp hành hình phạt.
Tuy nhiên, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách mà phạm tội mới thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Thư Viện Pháp Luật