Cách thu phí bảo lãnh đối với dự án vay vốn trung và dài hạn
Cách thu phí bảo lãnh: Năm đầu tiên: Tạm thu 50% phí bảo lãnh trên tổng số vốn vay bảo lãnh ngay sau khi phát hành chứng thư bảo lãnh.
Các năm tiếp theo: Thu phí chênh lệch năm trước và tiếp tục tạm thu 50% phí bảo lãnh trên tổng số vốn vay bảo lãnh trong năm được thực hiện vào ngày 31/01 hàng năm, cách tính như sau:
- Đầu tháng 1 hàng năm, Chi nhánh NHPT tính toán và có văn bản thông báo số phí phải nộp cho Doanh nghiệp được bảo lãnh trước ngày 20/1 hàng năm.
- Căn cứ bảng kê tình hình cho vay, thu nợ của dự án (có mẫu kèm theo) do Doanh nghiệp gửi đến (có xác nhận của NHTM), Chi nhánh tính toán số phí bảo lãnh thực tế phải thu của năm trước (bao gồm phí bảo lãnh của gốc và lãi) và thực hiện thu số phí còn lại sau khi đã trừ số phí tạm thu của năm trước (nếu thiếu thu tiếp, nếu thừa trừ vào phí tạm thu của năm sau).
Riêng năm cuối cùng: Thu phí chênh lệch năm trước và quyết toán phí bảo lãnh phải thu trong năm được thực hiện khi kết thúc nghĩa vụ bảo lãnh, cụ thể như sau:
Khi kết thúc nghĩa vụ bảo lãnh, Doanh nghiệp gửi cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển bảng kê tình hình cho vay, thu nợ của dự án năm trước năm kết thúc và năm kết thúc.
Trên cơ sở bảng kê, Chi nhánh tiến hành tính phí bảo lãnh thực tế phải thu của hai năm (năm trước năm kết thúc và năm kết thúc).
Sau khi tính toán số phí bảo lãnh thực tế phải thu, Chi nhánh tiến hành quyết toán phí bảo lãnh với Doanh nghiệp đồng thời có Công văn thông báo số tiền phí bảo lãnh Doanh nghiệp phải nộp bổ sung (hoàn trả).
* Đối với các trường hợp bảo lãnh vay vốn bằng ngoại tệ
Phương pháp tính và thu phí bảo lãnh áp dụng như nêu trên và thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Đồng tiền để tính mức phí là đồng nguyên tệ theo hợp đồng tín dụng.
- Đồng tiền thu phí là Việt Nam đồng và được quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu phí
Thư Viện Pháp Luật