Kiểm định phương tiện PCCC
1. Câu hỏi số 1:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 38 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của chính quy quy định “ Phương tiện phòng cháy và chữa cháy sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an”. Do đó các bình chữa cháy xách tay loại MT5 và MFZ8 mà công ty đang sử dụng phải kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định.
2. Câu hỏi số 2:
Theo quy định tại Điều 15 – Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định về chế độ bảo quản, bảo dưỡng bình chữa cháy, trong đó phân bình chữa cháy ra thành 5 loại: Loại 1 là bình có áp suất nén trực tiếp với chất chữa cháy là nước, nước có phụ gia hoặc bọt; Loại 2 là bình có áp suất nén trực tiếp với chất chữa cháy là bột; Loại 3 là bình dùng chai khí đẩy với chất chữa cháy là nước, nước có chất phụ gia; Loại 4 là bình dùng chai khí đẩy với chất chữa cháy là bột; Bình chữa cháy khí CO2 và quy định về bảo quản, bảo dưỡng định kỳ; quy định về bảo dưỡng thường xuyên đối với từng loại bình khác nhau.
Tại Khoản 4 Điều 15 – Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 quy định về chế độ bảo dưỡng định kỳ đối với các bình chữa cháy loại 1,2,3. Cụ thể:
“ Sau 5 năm (tính từ ngày sản xuất), bình chữa cháy các loại 1, 2 và 3 phải được bảo dưỡng như sau:
a) Phun xả bình chữa cháy hết hoàn toàn. Sau khi phun, áp kế phải chỉ áp suất “0” và thiết bị chỉ thị (nếu được trang bị) phải chỉ vị trí đã phun;
b) Mở bình chữa cháy và làm sạch bên trong thân bình; phát hiện sự ăn mòn và hư hại bên trong thân bình. Nếu bình bị ăn mòn ít, hư hại không đáng kể thì bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu bình bị ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ;
c) Kiểm tra, làm sạch lăng phun, lưới lọc và vòi phun, lỗ thông, (hoặc các cơ cấu thông hơi khác) ở trong nắp hoặc bộ van và ống xả trong;
d) Kiểm tra vòng đệm bịt kín và vòi phun (nếu được lắp) và thay nếu bị hư hỏng;
đ) Kiểm tra cơ cấu vận hành về việc chuyển động;
e) Lắp ráp và nạp lại bình chữa cháy”.
Tại Khoản 3 Điều 15 – Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 quy định về chế độ, nội dung việc bảo dưỡng thường xuyên đối với từng loại bình chữa cháy khác nhau, độc giả có thể nghiên cứu thêm nội dung điều khoản này trong thông tư để nắm rõ hơn các nội dung cần thực hiện về bảo dưỡng thường xuyên bình chữa cháy.
Đồng thời theo quy định tại Mục 4.3 – TCVN 7534-2:2004 quy định: Tất cả các bình chữa cháy (trừ các loại bình quá cũ được quy định tại Phụ lục C - TCVN 7534-2:2004) phải được bảo dưỡng không quá một năm nhưng không ít hơn 06 tháng một lần.
Như vậy các loại bình chữa cháy của công ty độc giả phải được phân loại và thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên theo đúng quy trình được quy định tại Khoản 3 Điều 15 –Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014. Việc kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên này phải được thực hiện không quá một năm nhưng không ít hơn 06 tháng một lần. Riêng trường hợp nếu bình chữa cháy MFZ8 trong công ty độc giả thuộc loại 2 định kỳ 5 năm một lần phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy trình được quy định tại Khoản 4 Điều 15 - Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014. Ngoài ra công ty cần phải thực hiện đầy đủ các nội dung về chế bộ bảo quản, bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng không được thấp hơn so với quy định nêu trên.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 38 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của chính phủ quy định: “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy lắp ráp, hoán cải trong nước phải được phép của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền và phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an”. Như vậy trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên mà các bình chữa cháy có thay thế một số chi tiết, linh kiện, thiết bị khác so với thời điểm kiểm định lần đầu thì công ty phải thực hiện việc kiểm định lại về chất lượng đối với các bình chữa cháy nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật