Thủ tục để được hưởng chế độ thu hút nhân tài của tỉnh Bình Dương
1. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4 Quyết định số 74/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ khuyến khích tự đào tạo khi có đủ các điều kiện sau:
- Tự túc kinh phí đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn đang đảm trách.
- Khi học xong cam kết tiếp tục làm việc tại đơn vị cũ hoặc chấp hành theo sự phân công của tổ chức.
- Phải còn thời gian phục vụ và cam kết phục vụ tối thiểu là 02 năm đối với đại học, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và 03 năm đối với thạc sĩ, tiến sĩ kể từ ngày tốt nghiệp khóa đào tạo.
- Khi đi học phải có văn bản thỏa thuận với Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh ủy và có quyết định cử đi học của thủ trưởng cơ quan.
Ngoài ra, tại Phần A, Mục I, điểm 3 của công văn số 372/HDLS-NV-TC ngày 15/6/2012 của liên Sở Nội vụ - Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương có quy định về chế độ khuyến khích tự đào tạo như sau:
- Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, Đảng, Đoàn thể và đơn vị sự nghiệp; cán bộ chuyên trách, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc diện quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các ngành, các cấp;
- Chế độ khuyến khích tự đào tạo chỉ áp dụng đối trường hợp tự túc kinh phí đi học từ bậc đại học trở lên, tốt nghiệp khóa học đúng thời hạn quy định của cơ sở đào tạo (trừ trường hợp bất khả kháng) và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 74/2011/QĐ-UBND;
- Cán bộ, công chức, viên chức sau khi trúng tuyển (các lớp đại học, sau đại học) phải làm hồ sơ thỏa thuận đi học diện tự túc kinh phí.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của cá nhân, cơ quan nơi cán bộ, công chức, viên chức đang công tác có văn bản đề nghị gửi về Sở Nội vụ để xem xét và có văn bản thỏa thuận.
Từ những quy định nêu trên, nếu Anh/Chị có đủ điều kiện được hưởng chế độ khuyến khích tự đào tạo thì làm các thủ tục như quy định tại Quyết định số 74/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 và Công văn số 372/HDLS-NV-TC ngày 15/6/2012 của liên Sở Nội vụ - Tài chính gửi về Sở Nội vụ để được xem xét. Các trường hợp đề nghị phải đảm bảo đầy đủ thủ tục hoặc có giải trình cụ thể đối với những điểm không đúng quy định thì Sở Nội vụ mới có đủ cơ sở xem xét giải quyết.
2. Về chế độ hỗ trợ cho viên chức ngành giáo dục – đào tạo và dạy nghề có trình độ sau đại học đề nghị Anh/Chị xem quy định tại Điều 23 Quyết định số 74/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Về cơ bản, giáo viên được bố trí giảng dạy theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo sau đại học sẽ được giải quyết chế độ hỗ trợ này trong thời hạn 05 năm (thạc sĩ: 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng). Nếu thuộc đối tượng được hưởng thì Anh/Chị liên hệ với Phòng Tổ chức/Phòng Hành chính – Tổng hợp… của đơn vị để đề nghị được xem xét giải quyết.
Lưu ý:
- Đối với tất cả các đề nghị của Anh/Chị nêu trên, chúng tôi đề nghị Anh/Chị liên hệ với Phòng Tổ chức/Phòng Hành chính – Tổng hợp… của đơn vị mình trước tiên để người phụ trách có thẩm quyền ở đây trả lời cho mình vì đây là trách nhiệm của họ. Trường hợp có vấn đề gì chưa rõ, cán bộ Phòng Tổ chức/Phòng Hành chính – Tổng hợp…của đơn vị phải có trách nhiệm liên hệ với Sở Nội vụ để được hướng dẫn, giải quyết.
- Anh/Chị nên tham khảo các văn bản: Quyết định số 74/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 và Công văn số 372/HDLS-NV-TC ngày 15/6/2012 của liên Sở Nội vụ - Tài chính. Các văn bản này Sở Nội vụ đã phát hành đến từng đơn vị từ năm 2012./.
Thư Viện Pháp Luật