Chế độ hưu trí đối với người đã tham gia BHXH bắt buộc sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện rồi nghỉ hưu

Chào anh, chị! Tôi muốn hỏi về chế độ lương hưu của giáo viên Mầm non. Mẹ tôi công tác trong ngành giáo dục mầm non từ năm 1979, có thời gian công tác trong ngành là 34 năm. Thời điểm năm 1995 thì cơ quan của mẹ tôi mới được cho đóng Bảo hiểm xã hội. Đến tháng 5/2014, mẹ tôi đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu 8 tháng đóng BHXH, do vậy cán bộ Bảo hiểm xã hội địa phương hướng dẫn nộp BHXH tự nguyên để đủ 20 năm, sau đó mới được hưởng lương hưu. Vậy tôi xin được tư vấn là: Trường hợp của mẹ tôi, lương hưu sẽ được tính như thế nào? theo điều khoản nào của luật BHXH hiện hành. Và nếu thời gian còn thiếu 8 tháng đó, mẹ tôi đóng bảo hiểm bắt buộc tại một cơ quan, đơn vị khác thì cách tính lương hưu khi đủ 20 năm có khác so với việc đóng 8 tháng BHXH tự nguyện hay không? Rất mong nhận được hồi âm của quý cơ quan. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Nội dung Bạn hỏi về chế độ hưu trí đối với người đã tham gia BHXH bắt buộc sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện rồi nghỉ hưu liên quan đến các Điều: 70, 71,76,79 Luật BHXH; Điều 17 Nghị định 190/2007/NĐ-CP; Điều 31Nghị định số 152/2006/NĐ-CP. Ban Biên tập cung cấp cho Bạn nội dung liên quan dưới đây để Bạn tham khảo:

Điều 70 Luật BHXH: Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm.

Điều 71 Luật BHXH: Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 

2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như quy định tại Điều 53 của Luật này 

Điều 76Luật BHXH: Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

1. Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

2. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Điều 79 Luật BHXH: Tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

2. Cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng hoặc mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định.

Điều  [Điểm neo] 17 Nghị định 190/2007/NĐ-CP: Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo công thức sau:

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH

=

[(Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc) x (Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc)] + Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Điều  [Điểm neo] 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP: Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động theo Điều 58, 59 và Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995:

a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân các mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

b) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

c) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian đó. Trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp chưa đủ 5 năm, thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

2. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2007:

a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

 - Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

b) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian;

c) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian đó. Trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp chưa đủ số năm quy định tại điểm a khoản này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01tháng 01 năm 2007 trở đi:

a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian;

c) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian đó. Trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp chưa đủ 10 năm thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào