Có được ra điều kiện kèm theo khi tặng nhà?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 470 Bộ luật Dân sự, bên tặng, cho có thể yêu cầu bên được tặng, cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng, cho. Điều kiện tặng, cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, với quy định này, bạn có thể trao đổi với em bạn về điều kiện tặng, cho như: chỉ được bán sau một thời gian nhất định kể từ thời điểm nhận tặng, cho; phải nuôi dưỡng cho đến khi chị qua đời... Nếu em bạn đồng ý với những điều kiện mà bạn đưa ra thì các bên đến phòng công chứng để ký hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Trường hợp sau khi nhận tặng, cho tài sản mà em bạn không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết thì căn cứ khoản 3 Điều 470 nói trên bạn có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, trên thực tế khi đăng ký biến động (trước bạ, sang tên) các văn phòng đăng ký nhà và đất của các quận, huyện thường không ghi nhận điều kiện tặng cho trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ). Do vậy khi người được tặng, cho chuyển nhượng tài sản cho người khác khi chưa được phép (vi phạm nghĩa vụ đã cam kết về điều kiện nhận tặng cho tài sản) mà công chứng viên không yêu cầu họ xuất trình Hợp đồng tặng, cho tài sản để kiểm tra điều kiện tặng, cho thì có thể công chứng viên sẽ vẫn chứng nhận việc chuyển nhượng đó.
Khi người tặng, cho tài sản phát hiện người được tặng, cho vi phạm cam kết thì vẫn có quyền kiện đòi lại tài sản và yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa người được tặng, cho và bên thứ 3 vô hiệu. Lúc đó, sự việc đã trở nên phức tạp và việc giải quyết hậu quả pháp lý có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, để hạn chế tình trạng này, người tặng, cho tài sản cần có những cách thức nhất định để kiểm soát việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản của người nhận tặng, cho.
Thư Viện Pháp Luật