Nhà trường phải bồi thường khi học sinh bị thương giờ ra chơi?
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ 4 yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, phải có lỗi cố ý và vô ý của người gây thiệt hại.
Theo thư bạn nêu, việc một học sinh làm con bạn bị gãy chân đã đủ yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định cụ thể về trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý. Khoản 1 Điều này quy định: “Người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”. Tuy nhiên, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường (Khoản 3, Điều 621 Bộ luật Dân sự).
Với thông tin bạn cung cấp, con bạn đang học tại trường, cho dù trong thời gian ra chơi thì nhà trường vẫn phải có trách nhiệm giám sát và bảo đảm quản lý được hoạt động của các em. Việc các em đá bóng không phải là điều Nhà trường cấm nên việc con bạn bị gẫy chân có phần lỗi của nhà trường, do đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về nhà trường (trừ trường hợp nhà trường chứng minh được đã nhắc nhở, ngăn cấm đá bóng trong sân trường nhưng các em học sinh vẫn cố tình thực hiện).
Về các khoản thiệt hại được bồi thường: Theo quy định tại mục 1 phần II, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
d) Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
đ) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
Để biết được cụ thể các khoản được bồi thường thiệt hại, số tiền được bồi thường, gia đình bạn cần phải xuất trình các giấy tờ cần thiết để chứng minh như: giấy nhập viện, giấy xuất viện, các khoản viện phí, hoá đơn tiền thuốc,….để nhà trường có cơ sở bồi thường thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật