“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung (khoản 1 Điều 33).
“Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản;…" (khoản 2 Điều 35).
“Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi" (khoản 2 Điều 26).
Như vậy, quyền sử dụng đất mà vợ chồng chị nhận chuyển nhượng trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng (mặc dù chỉ đứng tên một người). Việc định đoạt loại tài sản chung là quyền sử dụng đất này phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng, không phụ thuộc vào việc ai đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu như chồng chị tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng với người thứ ba mà cụ thể là đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho con riêng và mẹ của đứa trẻ đó khi không có sự đồng ý của chị thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu.
Như vậy, chị có quyền đòi lại quyền sử dụng đất đó thông qua việc yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.