Hợp đồng lao động vi phạm hình thức vẫn có hiệu lực pháp luật
Bộ luật Lao động năm 1994 (BLLĐ), có hiệu lực tại thời điểm năm 2000, quy định: HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: a) HĐLĐ không xác định thời hạn; b) HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 năm đến 3 năm; c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm.
Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 1 năm trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác (Điều 27). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ (năm 2002) sau đó có sửa đổi quy định: HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 năm đến 3 năm thành HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới, hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn (khoản 3, Điều 1).
Mặc dù hai bên không ký HĐLĐ mới, nhưng các tài liệu do ông cung cấp đã thể hiện: Ông tiếp tục làm việc tại viện trong khoảng thời gian từ ngày 30.11.2000 đến ngày 23.5.2004. Có nghĩa rằng, giữa hai bên đã thiết lập một HĐLĐ mới trong khoảng thời gian từ ngày 30.11.2000 đến ngày 23.5.2004, mặc dù các bên không tuân thủ đúng quy định về hình thức của HĐLĐ. Tuy nhiên, do không có quy định nào của pháp luật phủ nhận hiệu lực của HĐLĐ không tuân thủ đúng quy định về hình thức và căn cứ trên nguyên tắc “bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động” (khoản 1, Điều 4 BLLĐ), HĐLĐ mới giữa ông và viện vẫn được pháp luật công nhận.
Thư Viện Pháp Luật