NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Trong thư, ông chưa nêu rõ về thời hạn của các HĐLĐ ông đã ký. Tuy nhiên, việc Cty chấm dứt HĐLĐ với ông từ tháng 6.2014 nhưng đến tháng 12.2014 mới thông báo cho ông về việc chấm dứt HĐLĐ là vi phạm quy định về thời hạn báo trước theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động (BLLĐ). Do đó, căn cứ Điều 41 BLLĐ, đây là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Căn cứ Điều 42 BLLĐ, quyền lợi của ông khi Công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật:
Một, công ty đó phải nhận ông trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày ông không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ;
Hai, trường hợp ông không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, Cty phải trả trợ cấp thôi việc cho ông.
Căn cứ Điều 48 Bộ luật LĐ, mức trợ cấp thôi việc của ông được tính theo quy định mỗi năm làm việc là nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi ông thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian ông đã làm việc thực tế cho Cty trừ đi thời gian ông đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được Cty chi trả trợ cấp thôi việc.
Ba, trường hợp Cty không muốn nhận lại ông trở lại làm việc và ông đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ;
Bốn, trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà ông vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường như nêu trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ. Trường hợp này, Cty còn vi phạm quy định về thời hạn báo trước, do đó, căn cứ vào thời hạn HĐLĐ của ông, Cty phải bồi thường cho ông một khoản tiền tương ứng với tiền lương của ông trong những ngày không báo trước.
Thư Viện Pháp Luật