Bị bệnh tim có được hưởng chế độ cho người khuyết tật?

Tôi bị bệnh tim nặng, đã được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An vào tháng 4.2013. Hiện nay, hàng tháng tôi vẫn phải tái khám và điều trị theo chỉ định của Bệnh viện. Tôi đang sống trong cảnh cô đơn và nghèo túng. Bên cạnh đó, tôi còn phải chăm sóc mẹ già ngoài 90 tuổi, là mẹ liệt sĩ. Tôi đã có đơn trình bày gửi lên UBND xã, nhưng cán bộ chính sách của xã trả lời rằng trường hợp của tôi là bệnh chứ không phải tật nên không được xác định là người khuyết tật. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp của tôi, bị bệnh tim, phải phẫu thuật thì có được đủ điều kiện hưởng các chế độ của người khuyết tật không?

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Điều 44 Khoản 1, 2 Luật Người khuyết tật quy định:

1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

b) Người khuyết tật nặng.

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.”

Căn cứ xác định mức độ khuyết tật được quy định cụ thể tại điều 4 Nghị Định 28/2012 ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật: 2. Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật.

3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.

4. Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Theo quy định của Luật người khuyết tật 2010 và văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên thì chế độ trợ cấp xã hội chỉ áp dụng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng căn cứ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Nếu bạn muốn xác định mức độ khuyết tật thì căn cứ theo điều 18 Luật Người khuyết tật: Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật gửi đơn đến UBND cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào