Thuyên chuyển người lao động sang việc khác

Tôi có 1 vấn đề về luật lao động mong các anh chị tư vấn giúp. Hiện em tôi đang làm IT, đã ký hợp đồng không thời hạn cho 1 công ty nước ngoài. Tuy nhiên do một số lý do họ đang tìm cách ép em tôi nghỉ. Họ đã thỏa thuận bồi thường nhưng mức bồi thường quá thấp nên em tôi không đồng ý. Họ đang điều chuyển em tôi sang 1 công việc khác chuyên môn với lý do là "Do nhu cầu sản xuất kinh doanh". Vậy các anh chị tư vấn giúp tôi những thắc mắc sau: - Lý do họ đưa ra có cần phải có chứng minh gì không ? - Cơ quan, tổ chức nào có thể bảo vệ người lao động trong trường hợp này ?

Thứ nhất: Về vấn đề chuyển người lao động sang làm công việc khác

Điều 31 BLLĐ 2012 quy định: “1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”

Theo đó, người sử dụng lao động được quyền chuyển người lao động sang làm công việc khác. Việc chuyển người lao động sang làm công việc khác phải tuân thủ:

-         Lý do chuyển người lao động sang làm công việc khác:

+ Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh;

+ Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước;

+ Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

-         Thời gian chuyển người lao động sang làm công việc khác

+ Không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm (không cần phải có sự đồng ý của người lao động);

+ Trên 60 ngày thì phải được sự đồng ý của người lao động;

-         Mức lương khi chuyển người lao động sang làm công việc khác:

+ Tiền lương theo công việc mới ít nhất bằng 85% tiền lương của công việc cũ;

+ Nếu tiền lương theo công việc mới thấp hơn công việc cũ thì được giữ nguyên lương công việc cũ trong thời hạn 30 ngày.

-       Thủ tục chuyển người lao động sang làm công việc khác: Thông báo cho người lao động ít nhất 3 ngày làm việc và phải thông báo rõ thời hạn chuyển công việc khác.

Thứ hai: Về kỷ luật lao động.

Điểu 6 Khoản 1 Điểm a BLLĐ 2012 quy định người sử dụng lao động có quyền “a) Tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

Điều 118 BLLĐ 2012 quy định: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động”.

Theo đó, người lao động phải tuân thủ theo sự điều hành, sắp xếp, quản lý của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật và nội quy lao động của công ty.

Thứ ba: Giải quyết trong trường hợp có tranh chấp lao động

Trong trường hợp người lao động cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm khi bị chấm dứt HĐLĐ thì có thể yêu cầu Hòa giải viên lao động thuộc Phòng LĐTBXH tiến hành hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại 201 BLLĐ 2012.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào