Điều kiện và nội dung di chúc

Ngoại tôi năm nay 90 tuổi (vẫn còn khỏe và minh mẫn) thuộc đối tượng gia đình chính sách là mẹ và vợ liệt sĩ. Ngoại tôi có tổng cộng 6 người con, 2 trai và 4 gái, nay ngoại tôi muốn làm di chúc chia lại tài sản cho các con vậy ngoại tôi có được quyền đơn phương ra chính quyền làm di chúc mà không cần phải có đầy đủ chữ kí của các con xác nhận vào được không? Ngoại tôi muốn để lại tài sản cho 1 người con thứ 3 thôi có được không? Phần tài sản chỉ có duy nhất ngôi nhà. Nếu được, xin hướng dẫn các bước cũng như thủ tục chi tiết trong trường hợp của tôi.

Thứ nhất, về việc lập di chúc, một người có thể lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác, căn cứ quy định tại Điều 646 Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 2005 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Tài sản định đoạt theo di chúc có thể là tài sản riêng của người đó hoặc phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung với người khác (Điều 634 BLDS).

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 652 BLDS:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Theo thông tin bạn cung cấp, bà bạn vẫn còn khỏe và minh mẫn do đó đủ điều kiện để viết di chúc.

Căn cứ theo quy định tại Điều 648 BLDS 2005 thì người lập di chúc có các quyền sau:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì bà bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ người nào theo đúng ý chí và nguyện vọng của bà bạn. Nhưng bạn lưu ý, bà bạn chỉ được định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của mình.

Thứ hai, về thủ tục lập di chúc:

Khi lập di chúc, bà bạn có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Người làm chứng cho việc lập di chúc có thể bất kỳ người nào, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự);

- Di chúc bằng văn bản có công chứng;

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Trong di chúc, cần thể hiện rõ các nội dung nêu tại Điều 653 BLDS, cụ thể như sau:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản;

- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Bạn có thể tham khảo thêm thủ tục lập di chúc tại văn phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 658 BLDS 2005.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào