Hình thức trả lương và khấu trừ lương của người lao động?
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012, Điều 94 về hình thức trả lương, người sử dụng LĐ có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng LĐ phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày. Như vậy, trường hợp của Cty bạn trả lương theo giờ hay theo sản phẩm thì Cty phải thông báo cho người LĐ biết trước ít nhất 10 ngày. Nếu Cty đã thông báo thì việc trả lương không vi phạm quy định của pháp luật LĐ.
Về việc khấu trừ lương theo quy định tại Điều 101 Bộ luật LĐ “Người sử dụng LĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của người LĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng LĐ”. Khoản 2 Điều 101: Người LĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người LĐ.
Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật, đối với thiệt hại do làm hư hỏng sản phẩm là hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng LĐ nên người LĐ phải bồi thường. Nếu thiệt hại không nghiêm trọng thì người LĐ phải bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng không quá 30 % tiền lương tháng.
Như vậy, việc khấu trừ vào lương do làm hư hỏng sản phẩm là đúng quy định pháp luật.
* Về thời gian làm thêm giờ: Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ-CP về Làm thêm giờ: 1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:
a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày;
b) Không quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:
a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
b) Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng LĐ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về LĐ tại địa phương.
3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật LĐ được quy định như sau:
a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng LĐ phải bố trí để người LĐ nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;
b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật LĐ.
Như vậy, nếu người LĐ không được nghỉ bù thời gian thì bạn có quyền yêu cầu người sử dụng LĐ trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật LĐ. Theo Điều 97 Bộ luật LĐ 2012: Người LĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.
b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%.
Việc trả lương muộn, căn cứ theo Điều 96, Bộ luật LĐ về nguyên tắc trả lương thì người LĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng LĐ phải trả thêm cho người LĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Căn cứ vào những quy định trên, việc Cty có hình thức trả lương theo giờ, khấu trừ lương, làm thêm giờ của người LĐ là phù hợp với các quy định của Bộ luật LĐ nên trường hợp của bạn có thể thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng LĐ để giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật