Thời gian chờ quyết định cho nghỉ không lương vẫn được hưởng lương
Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Lao động quy định rằng: “Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”. Theo quy định trên thì việc thỏa thuận nghỉ không lương là việc người lao động có đề nghị nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý, theo đó thời gian nghỉ không lương của người lao động sẽ được tính kể từ khi người sử dụng chấp nhận đề nghị của người lao động. Trong thời gian người lao động có đơn đề nghị mà người sử dụng lao động chưa cho phép mà người lao động nghỉ thì sẽ bị coi là tự ý nghỉ việc. Trong trường hợp nghỉ quá 5 ngày cộng dồn trong một tháng người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động.
Tại Điều 5 và Điều 92 Luật BHXH quy định mức đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động, hằng tháng người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH.
Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỉ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính.
Do đó, trường hợp nghỉ không hưởng lương thì đơn vị chị công tác không có nghĩa vụ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong trường hợp này, giữa đơn vị và NLĐ có thể thỏa thuận với nhau về mức đóng và đơn vị có thể đứng ra đóng cho NLĐ.
Tuy nhiên, theo như chị trình bày ở trên, đầu tháng 11.2012 chị viết đơn xin nghỉ việc không hưởng lương nhưng tới tháng 2.2013 mới được người sử dụng lao động chấp thuận, trong thời gian chờ sự đồng ý của người sử dụng lao động về việc nghỉ chị vẫn đi làm bình thường, vẫn được đơn vị giao công việc thì đối chiếu với các quy định nêu trên trong thời gian đó vẫn được xem là thời gian chị làm việc và là căn cứ để được tính hưởng lương và chế độ BHXH theo đúng quy định.
Việc đơn vị không tham gia đóng BHXH và không chỉ trả tiền lương cho chị 2 tháng nêu trên là trái với quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật