Căn cứ nào để người bị kết án tù được hưởng án treo?

Người bị kết án phạt tù 3 năm có thể được hưởng án treo không; Các điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo như thế nào? Rất mong nhận được sự giải đáp của Chuyên mục (Đỗ Trung Nghĩa, Đại Từ, Thái Nguyên).

 

Người phạm tội bị toà án phạt tù không quá 03 năm có thể được xem xét cho hưởng án treo (không kể tội đã phạm là tội gì); Điều kiện để xem xét căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS) và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, có 04 căn cứ để xem xét cho người bị kết án tù được hưởng án treo.

Một là, về mức phạt tù, những người bị toà án phạt tù không quá 03 năm, không kể tội đã phạm là tội gì đều có thể được xem xét cho hưởng án treo. Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà hình phạt chung  không vượt quá 03 năm tù thì cũng thuộc diện được xem xét cho hưởng án treo.

Hai là, về nhân thân người phạm tội, người phạm tội có nhân thân tốt. Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.

Ba là, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, là phải có từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết được ghi nhận tại khoản 1 Điều 46 BLHS đó là: người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức; phạm tội do lạc hậu; người phạm tội là phụ nữ có thai; người phạm tội là người già; người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; người phạm tội đã lập công chuộc tội; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Bên cạnh đó, các tình tiết giảm nhẹ cũng được Toà án xác định trong từng vụ án cụ thể phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 46 BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

Bốn là, thuộc trường hợp không cần bắt chấp hành hình phạt tù, là trường hợp nếu không bắt người phạm tội đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Án treo

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào