Quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn

Tôi làm việc cho một Công ty Dược phẩm tại TP HCM từ tháng 1.2008 đến nay, với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Hiện nay tôi đang ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty. Tháng 9.2012 tới, tôi dự định xin nghỉ việc để giải quyết việc gia đình. Đề nghị Chuyên mục tư vấn, khi thôi việc, tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 42 của Bộ luật Lao động (BLLĐ) không. Về BHXH, tôi được quyền lợi như thế nào (Đỗ Thu Hảo, 090.xxx.1953).

 

1. Trường hợp của anh (chị) khi thôi việc sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, nếu chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời gian người lao động đóng BHTN không được coi là thời gian tính trợ cấp thôi việc. Cụ thể, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP (ngày 09/05/2003, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ), có hướng dẫn chi tiết vấn đề trợ cấp thôi việc tại Điều 14:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có) đối với người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 42 của BLLĐ trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 36 của BLLĐ; Điều 37, các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 1 Điều 85 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung.

- Trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 41 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung là chấm dứt không đúng lý do quy định tại khoản 1 hoặc không báo trước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung thì không được trợ cấp thôi việc.

Khoản 6 Điều 139 Luật BHXH năm 2006 quy định: Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Căn cứ quy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 25/10/2010, hướng dẫn thi hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHTN), thì anh (chị) được coi là người thất nghiệp được hưởng BHTN nếu có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó;

- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH khi mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định (ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc).

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp: Là 03 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 06 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 09 tháng, nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào