Tội hành hạ người khác có bị xử lý?
Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1999:
“1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a- Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b-Đối với nhiều người”.
Căn cứ quy định trên, có thể thấy chủ thể của tội này chỉ có thể là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân, trong đó nạn nhân phải là người bị lệ thuộc. Quan hệ lệ thuộc ở đây phát sinh do quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên…), do quan hệ tín ngưỡng (cha cố với con chiên…), do quan hệ thầy trò…
Quan hệ lệ thuộc do quan hệ gia đình hoặc do quan hệ chỉ huy phục tùng trong các lực lượng vũ trang không thuộc phạm vi quy định của điều luật này, mà bị xử lý theo tội danh khác của Bộ luật Hình sự. Cụ thể: Đối với người có hành vi hành hạ người lệ thuộc mình do quan hệ gia đình, như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu… thì bị xử lý theo tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự; nếu người bị hành hạ là cấp dưới của người hành hạ trong các lực lượng vũ trang, thì bị xử lý về tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự.
Cấu thành tội phạm của tội này chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác. Đó là hành vi có tính chất hành hạ, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người lệ thuộc, như đánh đập, giam hãm. Đối với tội hành hạ người khác, không đòi hỏi hành vi đối xử tàn ác phải gây hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc. Tuy nhiên, hành vi đối xử tàn ác phải ở mức độ nhất định mới bị coi là hành vi phạm tội của tội này.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật