Móc túi còn hành hung người bị hại phạm tội gì?

Là người thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tôi rất bức xúc mỗi khi phải chứng kiến cảnh lưu manh móc túi của người đi xe buýt. Không hiếm trường hợp, bọn chúng quay lại hành hung người bị hại khi bị phát hiện. Đề nghị Chuyên mục giải đáp, theo luật thì đây coi là cướp hay trộm cắp tài sản; kẻ phạm tội bị có thể bị trừng phạt thế nào.(Thu Trang, ĐH Công nghiệp HN)

 

Trước hết, chúng tôi phân biệt giữa hành vi khách quan của tội cướp tài sản và trộm cắp tài sản:

- Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (làm tê liệt ý chí phản kháng của nạn nhân) nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự (BLHS), người phạm tội cướp tài sản phải chịu mức hình phạt thấp nhất là 03 năm tù; Hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tử hình nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thương tích hoặc tổn hại tới sức khỏe của người khác từ 61% trở lên, làm chết người hoặc chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

- Bị coi là trộm cắp tài sản khi người này dùng thủ đoạn “lén lút” để nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội che dấu hành vi chiếm đoạt tài sản đối với chủ sở hữu, người đang quản lý tài sản. Tuy nhiên, với những người khác, về cơ bản người phạm tội có ý thức che dấu hành vi chiếm đoạt, nhưng có khi họ công khai hành vi này khi thấy việc công khai đó không ảnh hưởng tới việc chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 138 BLHS, người phạm tội trộm cắp phải chịu hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 03 năm tới tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.

BLHS quy định “hành hung để tẩu thoát” là tình tiết tăng nặng đối với tội trộm cắp tài sản. Đó là trường hợp người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện, bị bao vây, bắt giữ mà có hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây, như: đâm, chém, đánh, xô ngã… nhằm tẩu thoát.

Với tình huống như anh (chị) nêu: kẻ móc túi quay lại hành hung nạn nhân, chúng tôi giả thiết các trường hợp:

Một là, khi chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản thì bị coi là phạm tội cướp tài sản.

Hai là, kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng chủ tài sản hoặc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản, thì cũng bị coi là cướp tài sản.

Ba là, nếu việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực là nhằm để tẩu thoát, kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được, thì chỉ coi là hành vi trộm cắp tài sản và việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực là tình tiết “hành hung để tẩu thoát”. Tuy nhiên, nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì người phạm tội phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội giết người; nếu gây cố tật nặng hoặc gây thương tích, hoặc dẫn đến chết người thì người phạm tội phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào