Đến tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH có đươc hưởng chế độ BHTN?
Theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ thì người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Khi đủ 55 tuổi, người thân của ông (bà) liên hệ BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hướng dẫn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay. Luật Việc làm quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; 2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; 3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm; 4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người thân của ông (bà) đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời hạn đăng ký là 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Lưu ý: nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần để hưởng lương hưu thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật