Tự vệ như thế nào là đúng luật?

Khu phố nơi chúng tôi ở thường xuyên bị nhóm thanh thiếu niên đột nhập trộm đồ. Có trường hợp, khi bị phát hiện chúng không bỏ chạy mà còn dùng vũ khí như dao, kiếm… chống trả. Đề nghị chuyên mục tư vấn, chúng tôi có thể tự vệ như thế nào; nếu lỡ gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng cho những kẻ này có phải chịu trách nhiệm không?

 

1. Vấn đề anh (chị) hỏi liên quan trực tiếp tới chế định về phòng vệ chính đáng được quy định tại khoản 1, Điều 15 Bộ luật hình sự (BLHS): “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác  mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính  đáng không phải là tội phạm”. Căn cứ quy định trên, hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Một là, có hành vi xâm hại những lợi ích cần bảo vệ, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Thông thường, hành vi xâm hại phải là hành vi phạm tội hoặc phải có tính chất nguy hiểm đáng kể;

Hai là, hành vi tấn công phải đang xảy ra hoặc đe doạ xảy ra thực sự và tức khắc;

Ba là, hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công nhằm mục đích gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công hoặc tích cực chống lại sự xâm hại, thậm chí có thể gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn cho chính người xâm hại để đảm bảo an toàn cho những lợi ích cần bảo vệ;

Bốn là, sự chống trả phải là cần thiết, nghĩa là để vừa đủ ngăn chặn hành vi xâm hại, hạn chế thiệt hại do hành vi xâm hại gây ra và trong hoàn cảnh cụ thể phải dùng đến những phương tiện và phương pháp đó thì mới có thể ngăn chặn, hạn chế được.

Như vậy, trong trường hợp anh (chị) bị người khác cướp, cố ý gây thương tích…, nếu hành vi này đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trực tiếp, thì anh (chị) có thể sử dụng quyền phòng vệ để chống lại sự xâm hại của người đó. Tuy nhiên, anh (chị) cần lưu ý, hành vi chống trả phải tương xứng với tính chất và mức độ xâm hại trong tương quan với: cường độ của sự tấn công, vũ khí, phương tiện của người thực hiện hành vi xâm hại, hoàn cảnh cũng như địa điểm xảy ra sự việc…

2. Khoản 2 Điều 15 BLHS quy định: "Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự." Theo quy định trên, trường hợp được coi là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng khi có đủ điều kiện:

Một là, phải có hành vi tấn công thực tế đang xảy ra hoặc đe doạ xảy ra ngay tức khắc làm cơ sở cho việc thực hiện quyền phòng vệ;

Hai là, hành vi phòng vệ đã áp dụng các phương tiện và phương pháp không cần thiết để đạt mục đích phòng vệ và đã gây ra thiệt hại quá đáng cho người tấn công trong khi hành vi vi tấn công của họ chưa đáng phải chịu thiệt hại đến mức như vậy.

BLHS quy định rõ, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự: Thông thường, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong trường hợp này có thể bị truy cứu TNHS về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 BLHS, hoặc tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 96 BLHS. Nếu mức độ thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây ra lớn đến mức cấu thành tội phạm (nhưng không phải hai tội danh đã nêu) thì được coi là phạm tội có tình tiết giảm nhẹ (điểm c, khoản 1, Điều 46 BLHS).

Trường hợp hành vi trái pháp luật của người xâm hại quá nhỏ, nhưng người phòng vệ đã nhân cớ này gây thiệt hại quá mức thì hành vi đó bị coi là phạm tội trong trường hợp thông thường, mà không phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào