Điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện gì?

 

Căn cứ Nghị định 34/2008/NĐ-CP, ngày 25/03/2008, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Nghị định 46/2011/NĐ-CP, ngày 17/06/2011, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, thì người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện:

1- Đủ 18 tuổi trở lên;

2- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

3- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia. Trong đó: a- Nhà quản lý, Giám đốc điều hành là những người nước ngoài trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương; quản lý doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo doanh nghiệp đó hoặc một phòng, ban hoặc một đơn vị trực thuộc của hiện diện thương mại, giám sát và kiểm soát công việc của các nhân viên chuyên môn, nhân viên quản lý hoặc nhân viên giám sát khác, có quyền thuê và sa thải hoặc kiến nghị thuê, sa thải hoặc các hoạt động về nhân sự khác. Các nhà quản lý, giám đốc điều hành này không trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của hiện diện thương mại; b- Chuyên gia là người nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý. Đối với người nước ngoài xin vào hành nghề y, dược tư nhân, trực tiếp khám, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hành nghề y, dược tư nhân hoặc về giáo dục, dạy nghề;

4- Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

5- Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp: a- Làm việc tại Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng; b- Là thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên; c- Là chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên; d- Là thành viên HĐQT của công ty CP; đ- Để thực hiện chào bán dịch vụ; e- Làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được; g- Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam; h- Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng dự án hoặc người nước ngoài được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy nhiệm đại diện cho các hoạt động tại Việt Nam; i- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ (gồm kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải); k- Để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài; l- Đã được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; m- Các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào