Trình tự, nội dung tiếp công dân được quy định như thế nào?
Theo Quyết định số 3591/QĐ-BHXH, ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
- Yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tuỳ thân. Trường hợp uỷ quyền thì phải xuất trình thêm giấy uỷ quyền.
- Ghi vào sổ tiếp công dân đầy đủ nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
- Yêu cầu công dân cung cấp đơn, thư, tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) để giải quyết:
+ Đơn khiếu nại, tố cáo có đủ điều kiện và đúng thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì tiếp nhận đơn để thụ lý, giải quyết theo quy định. Trường hợp đã nhận đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý thì trong thời hạn mười ngày, người giải quyết khiếu nại phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người khiếu nại biết.
+ Đơn khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì không tiếp nhận đơn mà hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết; Đơn khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện tại Toà án.
- Trường hợp người khiếu nại, tố cáo trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân phải hướng dẫn người khiếu nại, người tố cáo viết thành đơn, ghi rõ ngày tháng năm khiếu nại, tố cáo; nội dung khiếu nại, tố cáo, họ tên, địa chỉ người khiếu nại, người tố cáo; khi cần thiết thì ghi âm lời khiếu nại, tố cáo. Bản ghi nội dung khiếu nại, tố cáo phải cho người khiếu nại, người tố cáo đọc lại, nghe lại và ký xác nhận.
- Giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo.
- Khi tiếp nhận đơn, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì cán bộ tiếp công dân phải làm giấy biên nhận, lập thành hai bản, một bản giao cho công dân và một bản lưu hồ sơ.
- Khi công dân có yêu cầu gặp trực tiếp Lãnh đạo để trình bày thì cán bộ tiếp công dân phải ghi nhận, báo cáo Lãnh đạo để xếp lịch theo định kỳ hoặc đột xuất đồng thời thông báo cho người có yêu cầu.
Thư Viện Pháp Luật