Tại các xã mới thành lập, HĐND phải tổ chức bầu các chức danh lãnh đạo
Điều 132 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định: Trong trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới, các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đã được bầu hoặc công tác ở địa hạt thuộc đơn vị hành chính mới nào thì hợp thành HĐND của đơn vị hành chính đó và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Trường hợp số đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính mới đủ hai phần ba so với số đại biểu được bầu theo quy định của pháp luật, HĐND mới bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân (UBND); Trưởng Ban và các thành viên khác của các Ban của HĐND và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Trong trường hợp số lượng đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính mới không đủ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì có thể tiến hành bầu cử bổ sung theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND".
Căn cứ vào quy định trên, Chủ tịch HĐND xã và Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (cũ) đều là đại biểu HĐND xã Tân Thượng (mới). Tuy nhiên, chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (mới) phải do HĐND xã Tân Thượng (mới) bầu ra.
HĐND xã Tân Thượng (mới) sau khi bầu cử bổ sung đủ ít nhất hai phần ba số đại biểu HĐND xã theo quy định của Luật, phải tổ chức kỳ họp bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND xã Tân Thượng (mới).
Thư Viện Pháp Luật