Chế độ BHXH đối với CBCC nghỉ ốm dài ngày

Bà Kim Thị Thủy, công tác tại Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, sinh tháng 6/1960, tham gia công tác và đóng BHXH từ tháng 8/1980. Ngày 8/1/2008, bà bị tai biến mạch máu não phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Đến nay, biên chế của bà vẫn ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Bình. Bà Thủy muốn được cơ quan chức năng giải đáp về chế độ BHXH bà được hưởng khi nghỉ ốm dài hạn.

Bà Thủy bị tai biến mạch máu não từ ngày 8/1/2008 phải nghỉ việc để điều trị dài ngày, bệnh thuộc danh mục các bệnh cần nghỉ để chữa bệnh dài ngày (theo quy định tại Thông tư số 33/TTLB ngày 25/6/1987 của Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Căn cứ vào quy định tại điểm 2, mục I, phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Gia Bình đã lập danh sách và đề nghị BHXH huyện Gia Bình giải quyết chế độ nghỉ ốm hưởng BHXH dài ngày của bà trong 2 năm 2008 và 2009, theo đó mỗi năm bà được thanh toán 180 ngày nghỉ chế độ với số tiền là 14.804.000 đồng.

Năm 2009, nếu hết thời hạn 180 ngày mà bà vẫn tiếp tục điều trị (mang giấy ra vào viện hoặc bệnh án điều trị đến Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện) thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn theo quy định hiện hành.

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với các bệnh cần chữa trị dài ngày

 =

Tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/26 ngày

 x

Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)

 x

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau

Trong đó, tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau:

+ Bằng 75% với thời gian tối đa là 180 ngày trong một năm

+ Bằng 65% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH đủ 30 năm trở lên.

+ Bằng 55% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH đủ từ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ Bằng 45% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

- Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

- Trường hợp người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày sau 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị mà khi tính có mức hưởng chế độ ốm đau trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung.

(Trích Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007 của Bộ LĐTBXH)

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào