Tách mã số thuế của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật thuế TNCN và việc hợp nhất mã số đăng ký kinh doanh với mã số thuế theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30/11/2007 của Chính phủ, DN và cơ quan quản lý gặp một số vướng mắc về việc cấp mã số thuế đối với DNTN.
Đó là, DNTN và chủ DNTN được cấp một mã số thuế duy nhất để chủ DNTN kê khai, nộp thuế cho DNTN, đồng thời kê khai, nộp thuế TNCN của chủ DNTN. Việc này dẫn đến không tách biệt được việc kê khai thuế TNCN của chủ DNTN với việc kê khai khấu trừ thuế TNCN cho người lao động thuộc DN khi quyết toán thuế TNCN.
Ngoài ra, do được cấp một mã số thuế duy nhất nên việc chuyển đổi từ DNTN sang công ty TNHH hay chuyển đổi sở hữu từ chủ DNTN này sang chủ DNTN khác (trong trường hợp bán DNTN) sẽ không được giữ nguyên mã số thuế cũ. Điều này gây khó khăn cho quá trình giao dịch của DN cũng như việc hợp nhất mã số đăng ký kinh doanh với mã số thuế của DN.
Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trên, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 18140/BTC-TCT hướng dẫn việc cấp mã số thuế đối với DNTN và mã số thuế TNCN của chủ DNTN theo hướng tách riêng mã số thuế của 2 đối tượng này:
Mỗi DNTN được cấp một mã số thuế duy nhất làm mã số DN để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, kể cả trường hợp mua bán DNTN và chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác. DNTN sử dụng mã số thuế này để kê khai khấu trừ thuế TNCN đối với người lao động thuộc DN.
Chủ DNTN được cấp riêng một mã số thuế TNCN để kê khai nghĩa vụ thuế của cá nhân chủ DNTN.
Để không làm ảnh hưởng tới các giao dịch cũng như việc kê khai, nộp thuế của DN, DNTN được giữ nguyên mã số thuế đã được cấp để làm mã số thuế của DN. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp DNTN căn cứ vào thông tin về chủ DNTN đã có của DNTN đã kê khai trước đây sẽ cấp mã số thuế TNCN cho chủ DNTN, chủ DNTN không phải kê khai thông tin đăng ký thuế TNCN.
Thư Viện Pháp Luật