Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là loại hợp đồng hay được các nhà đầu tư lựa chọn để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh vì mục đích lợi nhuận.
1. Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đặc điểm hợp đồng hợp tác kinh doanh
Thứ nhất, về chủ thể: chủ thể của hợp đồng BCC là các nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, về mục đích của các bên tham gia hợp đồng là thực hiện hoạt động hợp tác kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Thứ ba, hình thức của hợp đồng:hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể nào về hình thức của hợp đồng BCC không bắt buộc phải lập thành văn bản trừ những dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án.
Thứ tư, nội dung của hợp đồng BCC bao gồm:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
3. Ưu điểm, nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
a) Ưu điểm
Thứ nhất, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc do không phải thành lập tổ chức kinh tế.
Thứ hai, với hình thức đầu tư này, các bên có thể hỗ trợ lẫn nhau những thiếu sót, yếu điểm của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Tư cách pháp lý độc lập giúp các bên không phụ thuộc vào nhau, tạo sự linh hoạt chủ động trong hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, không ràng buộc.
b) Nhược điểm
Thứ nhất, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì nhà đầu tư không phải thành lập một tổ chức kinh tế mới, do vậy trong khi thực hiện dự án đầu tư nhà đầu tư phải ký kết các hợp đồng phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng BCC. Ngoài ra, việc không thành lập tổ chức kinh tế chung còn đồng nghĩa với việc các bên không có một con dấu chung, mà con dấu trong thực tế ở Việt nam thì việc sử dụng trong nhiều trường hợp là bắt buộc. Do đó, hai bên phải tiến hành thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh, qua đó làm tăng trách nhiệm của một bên so với bên còn lại.
Thứ hai, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC dễ tiến hành, thủ tục đầu tư không quá phức tạp do vậy chỉ phù hợp với những dự án cần triển khai nhanh mà thời hạn ngắn.
Căn cứ pháp lý: Khoản 9 Điều 3, Khoản 1 Điều 29 Luật đầu tư 2014.
Thư Viện Pháp Luật