Người nước ngoài được nước sở tại cho hưởng chế độ pháp lý nào
Theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các nước, người nước ngoài được hưởng các chế độ pháp lý sau:
- Chế độ đãi ngộ như công dân (National Treatment):
Nội dung cơ bản của chế độ này là người nước ngoài được hưởng các quyền dân sự và lao động, cũng như thực hiện các nghĩa vụ ngang hoặc tương đương với những quyền và nghĩa vụ mà công dân nước sở tại đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai (trừ những ngoại lệ theo pháp luật quy định trong các trường hợp cụ thể).
Trên thực tế, luật pháp các nước dành riêng cho người nước ngoài được hưởng quyền và nghĩa vụ như công dân của họ không phải ở tất cả mọi mặt, mà bao giờ cũng còn những hạn chế nhất định đối với người nước ngoài. Ví dụ: các quyền chính trị như quyền bầu cử, quyền ứng cử, đề cử, quyền cư trú, quyền hành nghề, học tập v.v...
- Chế độ tối huệ quốc (Most the Favoured nation treatment):
Nội dung cơ bản của chế độ tối huệ quốc là người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được hưởng một chế độ mà nước sở tại dành cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài của bất kỳ nước thứ ba nào đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai.
Theo chế độ tối huệ quốc thì người nước ngoài cũng như pháp nhân nước ngoài được hưởng đầy đủ và hoàn toàn các quyền hợp pháp mà một quốc gia đã dành và sẽ dành cho bất kỳ một nhóm người nước ngoài cũng như pháp nhân nước ngoài đang sinh sống hay hoạt động tại lãnh thổ của quốc gia đó. Như vậy, chế độ tối huệ quốc đưa lại các điều kiện cũng như các tiêu chuẩn pháp lý như nhau (theo nghĩa bình đẳng, bình quyền) cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài của các quốc gia đã ký kết với nhau hiệp định mà trong đó có quy định chế độ này.
- Chế độ đãi ngộ đặc biệt:
Nội dung cơ bản của chế độ này là người nước ngoài, thậm chí pháp nhân nước ngoài được hưởng những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt hoặc quyền đặc hưởng mà nước sở tại dành cho họ (thậm chí chính công dân nước sở tại cũng không được hưởng).
Các ưu tiên, ưu đãi hoặc các đặc quyền này thường được quy định trong luật pháp của các quốc gia cũng như trong các điều ước quốc tế.
- Chế độ có đi có lại:
Nội dung cơ bản của chế độ có đi có lại thể hiện ở việc một quốc gia dành một chế độ pháp lý nhất định cho thể nhân và pháp nhân nước ngoài tương ứng như trước đó đã dành và sẽ dành cho công dân và pháp nhân của mình ở đó trên cơ sở có đi có lại.
Do các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau và sự phát triển của các quốc gia là không đồng đều, cho nên trong thực tiễn Tư pháp quốc tế chế độ có đi có lại được thể hiện dưới hai cách: có đi có lại thực chất và có đi có lại hình thức.
+ Có đi có lại thực chất: được hiểu là một nước dành cho thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài một số quyền và nghĩa vụ hoặc những ưu đãi nhất định đúng bằng những quyền và nghĩa vụ cũng như những ưu đãi thực tế mà các thể nhân và pháp nhân của nước đó đã được hưởng ở nước ngoài kia. Có đi có lại thực chất được áp dụng ở những nước có cùng chế độ kinh tế - chính trị - xã hội. Song cũng gặp không ít khó khăn khi mà trình độ phát triển kinh tế của các nước không đồng đều hoặc phong tục, tập quán và truyền thống dân tộc khác nhau.
+ Chế độ có đi có lại hình thức: Một nước dành cho thể nhân và pháp nhân nước ngoài một chế độ pháp lý nhất định như chế độ đãi ngộ như công dân hoặc chế độ đãi ngộ tội huệ quốc mà ở nước kia cũng đã dành cho công dân và pháp nhân nước mình một chế độ tương ứng như thế. Quy định trên được áp dụng rất hữu hiệu trong quan hệ giữa các quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau.
- Chế độ báo phục quốc:
Báo phục quốc được hiểu là các biện pháp trả đũa. Nếu như một quốc gia nào đó đơn phương sử dụng những biện pháp hoặc có các hành vi gây thiệt hại hoặc tổn hại cho quốc gia khác hay công dân hoặc pháp nhân của quốc gia khác, thì chính quốc gia bị tổn hại đó hoặc công dân hay pháp nhân của quốc gia này được phép sử dụng các biện pháp trả đũa như hạn chế hoặc có các hành động tương ứng đối phó đáp lại các hành vi của quốc gia đầu tiên gây ra các thiệt hại đó. Tổng hợp các hành vi đối phó đáp lại được gọi là các biện pháp báo phục và hoàn toàn hợp pháp trên cơ sở có đi có lại.
Thư Viện Pháp Luật