Trả phụ cấp khu vực đối với thời gian tham gia kháng chiến
Theo hồ sơ hưu trí lưu tại BHXH tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1950, nguyên là cán bộ thanh tra huyện Bảo Thắng, nghỉ hưởng chế độ hưu trí từ tháng 1/2008 với thời gian công tác đóng BHXH là 39 năm 5 tháng. Trong đó:
Từ tháng 8/1968 đến tháng 12/1968: Công an vũ trang Lào Cai;
Từ tháng 1/1969 đến tháng 10/1971: Trường điện báo Hà Tây;
Từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972: Công an vũ trang Lào Cai;
Từ tháng 5/1972 đến tháng 8/1978: Công tác tại An Ninh – Miền Nam;
Từ tháng 9/1978 đến tháng 8/1981: Trường tham mưu Bắc Thái.
Theo quy định tại Công văn số 798/CSXH-CĐCS ngày 30/3/2009 của BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định số 122/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 3/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì “Thời gian đóng BHXH được tính hưởng trợ cấp khu vực một lần là tổng số các tháng mà người lao động làm việc trước ngày 1/1/1995 được tính là thời gian đóng BHXH ở nơi có phụ cấp khu vực và các tháng từ ngày 1/1/1995 trở đi người lao động đóng BHXH có bao gồm phụ cấp khu vực ở nơi có phụ cấp khu vực (có thể hiện trên sổ BHXH). Nơi có phụ cấp khu vực là các địa bàn xã và một số đơn vị nêu tại Phụ lục mức phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT…”.
Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Tiến Dũng, thời gian công tác thuộc tỉnh Hà Tây không có phụ cấp khu vực nên không được tính.
Còn thời gian công tác thuộc lực lượng vũ trang và tỉnh Bắc Thái do sổ BHXH không ghi rõ địa điểm cụ thể (xã, huyện) nên BHXH tỉnh Lào Cai không xác định được hệ số khu vực để tính trả trợ cấp phụ cấp khu vực một lần cho ông Nguyễn Tiến Dũng.
Vì vậy, BHXH tỉnh Lào Cai đề nghị ông Nguyễn Tiến Dũng cung cấp những hồ sơ liên quan, thể hiện rõ địa điểm nơi làm việc của thời gian công tác này, để làm căn cứ tính trả phụ cấp khu vực.
Thư Viện Pháp Luật