Khái niệm “thị trấn", "thị tứ” trong các văn bản của Nhà nước
Giải đáp thắc mắc của một số tổ chức và công dân về khái niệm “thị trấn", thị tứ” trong các văn bản của Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, thuật ngữ “thị tứ” đã xuất hiện trong Thông tư số 03/BXD-KTQH ngày 4/6/1997 về việc hướng dẫn lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng các thị trấn thị tứ; Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản pháp luật trước khi Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 được Quốc hội thông qua, hiện không còn hiệu lực.
Tại Điều 118 Hiến pháp 1992, các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam được phân định như sau: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...Huyện chia thành xã, thị trấn...”.Khoản 1, Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 của Quốc hội ngày 17/6/2009 có quy định: “Đô thị...bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Theo quy định tại Điều 4, 5 và 18 của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 về việc phân loại đô thị thì đô thị chỉ có 6 loại: đặc biệt, I, II, III, IV, V và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận, trong đó không có “thị tứ”.
Do vậy “thị tứ” không là phải một đô thị và cũng không phải là một đơn vị hành chính Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế có tồn tại các điểm dân cư có quy mô dân số lớn và có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao vẫn thường được gọi là thị tứ.
Để định hướng cho các điểm dân cư nông thôn này phát triển theo quy hoạch, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu để có chính sách quản lý và phát triển các điểm dân cư này.
Thư Viện Pháp Luật