Giải đáp vướng mắc về trợ cấp thôi việc
Kể từ ngày 1/1/1995, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, người lao động thôi việc ở cơ quan, đơn vị thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của Nhà nước, sau đó chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới.
Theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động và hướng dẫn tại Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ quy định đối với trường hợp người lao động làm việc ở nhiều công ty nhà nước chuyển công tác trước ngày 1/1/1995 (ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành) thì trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc ở từng doanh nghiệp, công ty nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả phần trợ cấp thôi việc thuộc trách nhiệm chi trả của công ty nhà nước mà người lao động đã làm việc trước khi chuyển công tác trước ngày 1/1/1995, sau đó gửi thông báo để yêu cầu hoàn trả số tiền đã được chi trả hộ.
Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, trường hợp ông Nguyễn Văn Toản và Trịnh Hồng Mỹ chuyển về làm việc tại Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 9/2005 và tháng 4/2002 (sau ngày 1/1/1995) không thuộc đối tượng áp dụng quy định nêu trên. Ngân hàng chỉ phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông Toản và bà Mỹ trong thời gian làm việc tại Ngân hàng. Trường hợp Ngân hàng đã trả hộ khoản trợ cấp thôi việc cho thời gian ông Toản và bà Mỹ làm việc tại các đơn vị trước kia thì đề nghị Ngân hàng làm việc cụ thể với các đơn vị liên quan và ông Toản, bà Mỹ để giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật