Thuế suất thuế TNDN đối với lãi tiền gửi ngân hàng
Tại khoản 2, Điều 3, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 quy định: Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; hoàn nhập các khoản dự phòng; thu khoản nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; thu khoản nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
Qua quá trình triển khai thực hiện các văn bản về thuế TNDN, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7250/BTC – TCT ngày 7/6/2010 về một số điểm cần lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm 2009.
Theo đó, trong năm tính thuế doanh nghiệp có phát sinh thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và chi phí trả lãi tiền vay theo quy định thì thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn được xác định như sau: Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn khoản chi phí trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Nếu thấp hơn thì sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
Căn cứ các quy định trên, Tổng cục Thuế hướng dẫn: Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu nhập khác như lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh trong năm 2009 thì doanh nghiệp sẽ bù trừ giữa các khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn và chi phí trả lãi tiền vay. Nếu khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn cao hơn khoản chi phí trả lãi tiền vay thì phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế và chịu thuế suất 25% khi tính thuế TNDN.
Thư Viện Pháp Luật