Công an viên ở xã có được hỗ trợ đóng BHXH
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ Công an thì Công an viên là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Do đó, Công an viên ở xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP). Công an viên được tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 quy định hỗ trợ một số đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ ngân sách nhà nước, trong đó có quy định hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và khóm ấp (23 người), gồm có: Trưởng Ban tổ chức Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo, cán bộ văn phòng Đảng ủy, cán bộ Dân vận, Phó trưởng công an, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, 04 Phó các đoàn thể cấp xã (gồm: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh), Ủy viên Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, cán bộ Công đoàn và 05 cán bộ không chuyên trách (phụ tách cán công việc: lao động thương binh và xã hội, giao thông - thủy lợi, văn hóa - truyền thanh, dân số - gia đình và trẻ em, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ), Trưởng khóm, ấp và 02 Phó trưởng khóm, ấp, trong đó không có Công an viên. Mức hỗ trợ đóng BHXH thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Do đó, thời gian Bạn làm Công an viên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cũng không thuộc đối tượng cán bộ không chuyên trách ở xã được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang, thời gian công tác tại xã sau này (từ 2012 trở đi) Bạn thuộc đối tượng được hỗ trợ đóng BHXH nêu trên theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND thì Bạn được hỗ trợ đóng BHXH khi tham gia BHXH tự nguyện.
Nếu Bạn đã được cơ quan BHXH trực tiếp quản lý đơn vị cũ của Bạn xác nhận quá trình công tác có đóng BHXH trên sổ BHXH và Bạn chưa hưởng BHXH một lần theo quy định thì thời gian này được bảo lưu để cộng nối với thời gian công tác sau này khi Bạn đi làm việc lại ở đơn vị khác để tính hưởng BHXH. Khi đến đơn vị mới để làm việc Bạn cần cung cấp sổ BHXH đang bảo lưu để đơn vị mới làm thủ tục tham gia BHXH cho Bạn.
Về việc Bạn có được đăng ký BHXH tự nguyện cho thời gian trước đây chưa tham gia (từ năm 2009 đến năm 2012) thì theo Luật BHXH năm 2006 quy định: “thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng”. Cho nên thời gian bắt đầu đóng BHXH là thời gian người lao động bắt đầu tham gia đóng BHXH, do đó không được đóng hồi tố cho thời gian trước đây chưa tham gia BHXH (kể cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện). Vì vậy, Bạn sẽ không được đóng BHXH cho thời gian trước đây (từ năm 2009 đến năm 2012). Cơ quan BHXH chỉ thực hiện truy thu đối với BHXH bắt buộc trong một số trường hợp nhất định như: người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH mà không đóng BHXH, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc … chứ không có trường hợp truy thu đối với thời gian người lao động không tham gia BHXH.
Như vậy, trường hợp của Bạn chỉ tham gia BHYT và BHXH tự nguyện, không tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên không được trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Thư Viện Pháp Luật