Đối tượng là thương binh thì quyền lợi được hưởng BHYT cao hơn?

Chồng tôi là thương binh (tỷ lệ mất sức lao động trên 81%) và đã nghỉ hưu, đang điều trị K-thanh quản tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT cho chồng tôi là đối tượng hưu trí, do không biết nên tôi vẫn mang thẻ BHYT này điều đi điều trị cho chồng tôi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nghe nói nếu là đối tượng thương binh thì quyền lợi được hưởng cao hơn, như vậy tôi có được đổi thẻ BHYT cho chồng tôi và thanh toán thêm số tiền chênh lệch cho đúng với quyền lợi của đối tượng thương binh được hưởng không? 

 1- Trước tiên, chị hãy phô tô thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân dân và thẻ chứng nhận thương binh của chồng chị đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để được đổi lại thẻ BHYT cho đúng với quyền lợi mà chồng chị được hưởng (đối tượng thương binh có tỷ lệ mất sức lao động trên 81% được hưởng mã quyền lợi số 1, cán bộ hưu trí có mã quyền lợi số 5), từ mã quyền lợi số 5 chuyển sang mã quyền lợi số 1.
          2- Quyết định số 82/QĐ-BHXH, ngày 20/01/2010 của BHXH Việt Nam quy định: người bệnh đi khám chữa bệnh đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật, thực hiện đúng, đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, nhưng vì những nguyên nhân khách quan chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ quyền lợi BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp.
          * Hồ sơ thanh toán trực tiếp gồm:
          - Giấy đề nghị thanh toán trực tiếp (mẫu số 07/BHYT);
          - Bản sao thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn giá trị sử dụng và một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ;
          - Bản sao giấy ra viện đối với bệnh nhân điều trị nội trú; bản sao đơn thuốc hoặc sổ y bạ đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú theo quy định;
          - Biên lai thu viện phí, hóa đơn mua thuốc theo quy định của Bộ Tài chính;
          Trường hợp người bệnh không tự đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm thủ tục thanh toán, người làm thủ tục thanh toán hộ phải có Giấy ủy quyền hoặc Giấy chứng nhận quyền đại diện hợp pháp cho người bệnh. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi và học sinh phổ thông, người làm thủ tục thanh toán hộ chỉ cần mang theo giấy tờ xác định là cha (mẹ) hoặc người giám hộ của người bệnh.
          * Nộp hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp và nhận tiền thanh toán trực tiếp tại BHXH huyện, thị xã nơi cư trú.
          * Thời hạn giải quyết: Chậm nhất 60 ngày đối với trường hợpkhám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh ngoài tỉnh kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp của người bệnh.
          Như vậy, trường hợp của chồng chị sẽ được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp cho phần quyền lợi BHYT chưa được hưởng theo quy định. Chị hãy mang đầy đủ hồ sơ đến cơ quan BHXH thị xã Tây Ninh để được hướng dẫn cụ thể hơn.
 
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hưởng bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào