Tôi tên là: Võ Hồng Sơn - sinh năm 1966, hiện là giáo viên công tác tại Trường THCS Hòa An- Chợ Mới, xin hỏi như sau: Vào lúc 16 giờ 20, ngày 01/10/2015, sau khi dạy học xong tôi đi về, tới tổ 3- ấp An Quới - xã Hoà Bình - huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang, thì bị xe ngược chiều do ông Trần Văn Năm sinh năm 1968 điều khiển xe mô tô 67K9- 7917 va chạm vào xe môtô cùng chiều. Bản thân ông Năm say rượu, lại không làm chủ tốc độ và mất tay lái nên đâm sang bên trái va chạm mạnh vào xe mô tô của tôi và làm cho tôi té xuống đồng thời xe đè lên người nên bị gãy chân phải và bất tỉnh. Sau đó được người dân gọi Công An xã đến giải quyết và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Tôi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Giang 15 ngày từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 đến ngày 15 tháng 10 năm 2015. Sau đó bệnh viện tiếp tục cho nghĩ thêm 3 lần mỗi lần là 10 ngày. Đồng thời tôi cũng được Hội Đồng Giám định y khoa An Giang xác định tỉ lệ mất sức lao động do thương tật là 35% vĩnh viễn (Tai nạn này được xác định là tai nạn lao động). Trong thời gian tôi nhập viện và được nghỉ tiếp 30 ngày để điều trị bệnh, thì Trường cắt lương, cho rằng tôi không dạy thì không hưởng lương. Vậy Trường không cho tôi hưởng lương trong thời gian đó, đúng không? Nhờ Quý cơ quan cho biết.Chân thành cám ơn.
Theo thư Bạn trình bày thì Bạn là giáo viên, đang tham gia BHXH, nếu trường hợp của Bạn được xác định là tai nạn lao động và được Hội đồng giám định y khoa An Giang xác định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động là 35% thì Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động hàng tháng (Điều 43 và 47 Luật BHXH năm 2014).
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 144 Bộ Luật lao động năm 2012, đề nghị Bạn tham khảo để biết thêm chi tiết và đảm bảo quyền lợi của mình.
Về việc Bạn có được nhà trường trả lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị hay không thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Giám hiệu nhà trường nơi Bạn đang công tác và quy định riêng của ngành giáo dục, đề nghị Bạn liên hệ trực tiếp với cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp lao động để được giải đáp thắc mắc.