Quy định về thời điểm có con trong thỏa ước lao động tập thể
Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động thì thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.
Thỏa ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai. Nội dung thỏa ước tập thể không được trái với các quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác.
Pháp luật lao động không những không có quy định buộc "lao động nữ khi được tuyển dụng vào làm việc tại công ty phải cam kết sau hai năm mới sinh con kể từ ngày ký kết HĐLĐ; thời gian sinh con thứ hai cách con thứ nhất là hai năm" mà còn dành hẳn một chương trong Bộ luật lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ. Cụ thể theo quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động:
“1- Nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm phụ nữ. Người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động.
2- Người sử dụng lao động phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần.
3 - Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động”.
Theo quy định của pháp luật lao động, quy định mang tính phân biệt đối xử trái luật nêu trên trong thỏa ước lao động tập thể của công ty bạn sẽ bị vô hiệu do trái với quy định của pháp luật lao động.
Thư Viện Pháp Luật