Cách ghi số cổ phần và mệnh giá cổ phiếu
Theo khoản 5 Điều 22 Luật Doanh nghiệp, tại điều lệ của Công ty cổ phần phải ghi rõ phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của công ty sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.
Tại khoản 1 Điều 85 Luật Doanh nghiệp có quy định: Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên. Nội dung trên cổ phiếu phải có mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu.
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì mệnh giá cổ phần là giá trị danh nghĩa mà công ty cổ phần quy định cho một cổ phiếu được ghi trên cổ phiếu. Mệnh giá của cổ phiếu không liên quan đến giá trị thị trường của cổ phiếu đó và thường được dùng để tính toán giá trị kế toán của cổ phiếu thường trong bảng cân đối kế toán của công ty.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp bà Bùi Thị Kim Anh nêu thì có sự hiểu nhầm giữa giá mua và mệnh giá cụ thể. Nếu theo như thông tin bà Kim Anh nêu thì mặc dù một cổ phần được mua với giá 300.000 VNĐ nhưng mệnh giá của một cổ phần ghi trên tờ cổ phiếu vẫn là 100.000 VNĐ.
Ngoài ra, do bà Kim Anh không nêu rõ trường hợp này là Công ty mua lại cổ phần của SCIC hay các nhà đầu tư khác mua nên Bộ Tài chính không thể hướng dẫn phần hạch toán.
Về cơ bản, các vấn đề cụ thể trên đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Các công dân có thể liên hệ trực tiếp với Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật