Chế độ BHXH của cán bộ cấp xã

Ông Nguyễn Văn Quốc (tỉnh Đồng Nai) nhập ngũ năm 1974, đến năm 1987 xuất ngũ về địa phương và hưởng chế độ bệnh binh 2/3. Năm 1995 ông làm Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Thường trực Đảng ủy xã. Năm 2008 ông kiêm chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Trong quá trình làm việc ông Quốc hưởng 90% lương của 1 chức danh và không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vì cơ quan chức năng cho rằng ông Quốc nghỉ theo chế độ mất sức lao động. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Quốc muốn được biết: Trường hợp của ông có được cộng nối thời gian công tác trong quân đội để hưởng chế độ khi nghỉ việc không và có quy định nào đối với trường hợp của ông, hưởng 90% lương của 1 chức danh và không đóng bảo hiểm xã hội?

Đối với nội dung ông Quốc quan tâm được quy định tại 2 văn bản sau:

- Thông tư Liên lịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 14/5/2004 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tại Điểm 6 của Thông tư quy định: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, bệnh binh hạng 1 và hạng 2, được hưởng 100% mức lương theo chức danh của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP đến ngày 31/12/2004, từ ngày 1/1/2005 hưởng 40% mức lương theo chức danh của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khi nghỉ việc không được tính hưởng bảo hiểm xã hội quy định tại Thông tư này.

- Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Theo đó, tại  Điểm c khoản 1, Điều 5 Nghị định quy định: Cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm theo quy định và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.        

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào