Nội dung ghi âm lén có là chứng cứ trước tòa?
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho tòa án hoặc do tòa án thu thập.
Điều 82 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau:
- Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
- Các vật chứng;
- Lời khai của đương sự;
- Lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Tập quán;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Đối chiếu quy định này có thể thấy băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 83 về xác định chứng cứ thì “các tài liệu nghe nhìn được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan việc thu âm, thu hình đó”.
Như vậy, đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa bạn và đối tác làm ăn chỉ được coi là chứng cứ khi bạn xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm. Ví dụ như: Biên bản làm việc về nội dung cụ thể được ghi âm trong băng ghi âm có chữ ký đầy đủ của 2 bên; văn bản xác nhận bạn và đối tác làm ăn có gặp mặt thời điểm bạn ghi âm; bạn và đối tác có lịch làm việc cùng nhau….
Điều quan trọng nữa là đối tác của bạn phải thừa nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của họ hoặc cơ quan giám định có kết luận xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của đối tác.
Từ phân tích trên có thể thấy, để được tòa án chấp nhận băng ghi âm của bạn là chứng cứ của vụ án thì đoạn băng ghi âm đó phải đáp ứng được các điều kiện trên, nếu không chỉ được xem là tài liệu có liên quan, có giá trị tham khảo chứ không có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Thư Viện Pháp Luật