Chế độ BHXH với giáo viên, công nhân viên trường ngoài công lập
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, đối với giáo viên, công nhân viên các trường THPT ngoài công lập thuộc đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, khi giáo viên, công nhân viên nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí thì tiền lương, tiền công đã đóng BHXH sẽ được điều chỉnh theo mức điều chỉnh từng năm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Trường hợp người nghỉ hưu trong năm 2011 thì tiền lương, tiền công đã đóng BHXH làm cơ sở tính lương hưu sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BLĐTBXH ngày 20/1/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thư Viện Pháp Luật