Di sản và tài sản trong thừa kế
Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; còn di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Như vậy trong khối tài sản mà ông đang quản lý hiện nay gồm có tài sản của ông và di sản của vợ ông chết để lại cho ông. Khi vợ ông mất đi không để lại di chúc thì phần di sản của vợ ông để lại được chia theo pháp luật mà hàng thừa kế thứ nhất là ông và các con của ông. Nếu chia thừa kế di sản của vợ ông theo pháp luật thì những người con còn sống (khi vợ ông chết) đều được hưởng thừa kế, nếu sau này có người con nào chết sau vợ ông thì hàng thừa kế thứ nhất của người đó được thừa kế thế vị (con anh ta được hưởng thừa kế thế vị). Luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Để xác định trong khối tài sản trên đâu là tài sản của ông và đâu là di sản của vợ ông để lại thì phải căn cứ vào thời điểm vợ ông chết gồm có những tài sản gì để phân chia tài sản của vợ chồng ở thời điểm đó được chia đôi, còn từ khi vợ ông mất đến nay tài sản phát sinh là tài sản của riêng của ông, nhưng ông còn được hưởng thêm một phần thừa kế tài sản của vợ ông (chia đều cho những người cùng hàng thừa kế). Nay ông muốn chia di sản thừa kế của vợ cho các con, ông nên họp các con lại để thống nhất trong toàn gia đình, sau đó ông có thể nêu ý định của mình chia di sản cho các con. Để tránh việc kiện tụng sau này thì mọi người nên lập ra bản thoả thuận chung và cùng ký tên vào hoặc nhờ công chứng hoặc chính quyền địa phương chứng thực. Việc chia tài sản thừa kế tuy pháp luật quy định cụ thể nhưng nó là việc chia tài sản của những người thân với nhau; nếu thống nhất cao thì trong gia đình luôn giữ được tình cảm, còn nếu như có những ý kiến khác nhau thì lại là vấn đề rất khó giải quyết sau này, nhất là giữ gìn tình cảm cha, con, anh chị em trong gia đình. Nếu có nhiều quan điểm khác nhau thì nên nhờ Toà án phân chia theo pháp luật
Thư Viện Pháp Luật