Cách tính thời gian đóng Bảo hiểm xã hội
Theo các văn bản về Bảo hiểm xã hội trước đây và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành thì cách tính thời gian đóng BHXH là thời gian thực tế người lao động có tham gia đóng BHXH. Khi xác định điều kiện thời gian đóng BHXH để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất hàng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng. Nếu còn thiếu tối đa không quá 6 tháng, thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương và tiền công tháng trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và quỹ tử tuất. Đối với cán bộ chuyên trách xã phường (trường hợp anh nêu là Bí thư Đoàn thanh niên và Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã), những người này theo quy định về chế độ chính sách đối với xã, phường trước đây (Nghị định 50 và Nghị định 09) thì họ đều được hưởng sinh hoạt phí và tham gia đóng BHXH. Nếu sau này họ được chuyển công tác trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thì họ sẽ được tính thời gian đóng BHXH từ khi công tác ở xã, phường. Trong thực tế khi người lao động tham gia đóng BHXH thì đều được thể hiện trên sổ BHXH do Bảo hiểm xã hội theo dõi, quản lý và làm cơ sở để tính thời gian đóng BHXH khi nghỉ hưu, nghỉ các chế độ sau này. Việc đóng BHXH người lao động phải biết mình có tham gia đóng BHXH hay không tham gia (nếu ở xã phường thì người lao động đóng 5%, Nhà nước đóng 10%). Do đó trường hợp của bạn anh đã có 2 năm công tác ở xã thời kỳ trước năm 1990, sau đó mới chuyển công tác trong cơ quan Nhà nước thì chính bản thân anh ta phải xác định được 2 năm đó có đóng BHXH hay không. Nếu anh ta đã đóng BHXH trong thời gian công tác ở xã, thì thời gian đóng BHXH được tính từ đó và ngược lại nếu thời kỳ đó anh ta không đóng BHXH thì thời gian đóng BHXH của anh chỉ được tính từ khi chuyển công tác ở cơ quan Nhà nước.
Thư Viện Pháp Luật