Quy định về án phí và lệ phí trong giải quyết vụ án dân sự
Vấn đề lệ phí và án phí đã được Luật sư trả lời bạn đọc trên một số số báo, nay xin trả lời để bạn được rõ thêm. Lệ phí và án phí là những quy định mang tính bắt buộc chung cho các bên đương sự khi tham gia tố tụng dân sự. Tuy nhiên mỗi vụ án cụ thể thì mức áp phí có khác nhau căn cứ vào giá trị tài sản yêu cầu Toà án giải quyết. Trước hết luật sư xin nêu các quy định về án phí, lệ phí trong các vụ án dân sự nói chung để chị và gia đình hiểu và vận dụng vào trường hợp của gia đình mình. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự và các quy định về án phí lệ phí thì khi Toà án thụ lý vụ kiện dân sự thì Toà sẽ thu các khoản tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; Về tiền lệ phí có các khoản lệ phí như: Cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Toà án, lệ phí nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà pháp luật quy định. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí là nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp iền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (trừ trường hợp đựợc miễn) Người nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự (trừ trường hợp không phải nộp). Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp). Trường hợp các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị tài sản mà họ được hưởng. Trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải, nếu các bên đương sự không tự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì mỗi bên phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm.. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm, không phụ thuộc vào Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Nếu hai bên thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 1/2 án phí sơ thẩm. Đối với án phí phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm, nếu Toà án phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm; Nếu Toà án sửa bản án hoặc quyết định sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm mà lúc này Toà án phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm như đã nêu ở phần trên; Nếu vụ án bị huỷ để xét xử sơ thẩm lại thì thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phúc thẩm. Nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm sẽ được xác định lại theo thủ tục xét xử sơ thẩm.
Thư Viện Pháp Luật