Hướng dẫn xác định vốn nhà nước trong dự án đầu tư
Theo quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu, các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh bao gồm:
- Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển
- Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Khái niệm "Vốn nhà nước" được xác định tại khoản 1, Điều 4 Luật Đấu thầu bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý.
Theo khoản 1, Điều 2 Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì việc xác định phần vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư của dự án đã phê duyệt, được tính theo từng dự án cụ thể, không xác định theo tỷ lệ phần vốn nhà nước đóng góp trong tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp.
Theo đó, trường hợp trên 70% phần vốn góp trong tổng mức đầu tư của dự án là vốn vay NHTMCP thuần túy (vốn vay không có sự bảo lãnh vay của Nhà nước) thì dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư có thể tùy chọn áp dụng luật này theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Luật Đấu thầu.
Thư Viện Pháp Luật